Khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cùng với những chỉ thị giãn cách kéo dài, nhiều trẻ em phải đối mặt với việc học online tại nhà đầy thách thức, và các gia đình cũng không tránh khỏi những bối rối, trăn trở. Một nghiên cứu từ đại học Otago, New Zealand cho thấy, có một mối liên hệ nhất định giữa những biểu hiện hành vi tâm lý của trẻ và các rối loạn lo lắng khi trưởng thành. Vì vậy, việc hiểu và giúp trẻ vượt qua hội chứng lo lắng ngay từ nhỏ là tiền đề để đảm bảo bồi dưỡng sức khỏe tinh thần và giúp trẻ có một cuộc sống khỏe mạnh.
Tại sao trẻ lo lắng?
Các trải nghiệm tồi tệ
Nỗi lo là một phần của cuộc sống nhưng có những trẻ em bị ảnh hưởng bởi chứng lo lắng ở mức độ nghiêm trọng hơn bình thường. Trung tâm Điều khiển và Ngăn chặn Dịch bệnh Anh cho rằng, trẻ em có nhiều khả năng mắc hội chứng lo lắng nếu trải qua các tình huống như căng thẳng, ám ảnh từ bạo lực học đường, tổn thương tâm lý do hành vi đối xử của người lớn và lớn lên trong các gia đình mà bố mẹ có tiền sử lo lắng và bất ổn tinh thần.
Thay đổi đột ngột về môi trường sống
Điều này đặc biệt được dẫn chứng từ bối cảnh đại dịch COVID-19, khi các trường học đóng cửa và trẻ em phải học tại nhà toàn thời gian. Đối với nhiều trẻ, sự có mặt của giáo viên đóng vai trò quan trọng, và trẻ thường cởi mở chia sẻ hơn nếu có giáo viên tại lớp học thay vì qua màn hình máy tính. Các hoạt động học tập cũng được gắn liền với trường học, vì thế, khi phải học ở nhà, trẻ sẽ phải rời xa môi trường quen thuộc vốn có, từ đó dễ nảy sinh những lo lắng thường trực khi không theo kịp bài và thiếu tương tác với bạn bè, thầy cô.
Giúp trẻ vượt qua hội chứng lo lắng như thế nào?
Lắng nghe và giúp trẻ ổn định
Trẻ với hội chứng lo lắng thường đòi hỏi sự chú ý nhiều hơn từ cha mẹ. Tuy vậy, một số cha mẹ thường hiểu lầm các hành vi bất thường thành sự thiếu kỷ luật và trở nên nghiêm khắc hơn với trẻ. Thay vì khiến trẻ thêm áp lực, nếu phát hiện các biểu hiện tâm lý không ổn định, bạn cần phải lắng nghe và tìm lý do cốt lõi. Sự lo lắng còn bắt nguồn từ việc không cảm thấy an toàn, vì thế, bạn nên đảm bảo trẻ có cảm giác được bảo vệ, hỏi trẻ về những nguy hiểm trẻ đã gặp phải và chắc chắn rằng bạn luôn ở bên khi trẻ cần.
Lên kế hoạch cho những thay đổi
Khi có các tình huống bắt buộc phải thay đổi môi trường sống, là cha mẹ, bạn không nên quá vội vã và hấp tấp. Hãy bình tĩnh và lên kế hoạch cụ thể cho trẻ, đồng thời để trẻ biết rằng sẽ có những thay đổi nhất định xảy ra. Bạn có thể cùng trẻ xây dựng lịch trình mới, như hoạt động hàng ngày, việc học, nghỉ giải lao, để đảm bảo trẻ nhận thức được điều bản thân cần làm. Hãy động viên trẻ rằng những thay đổi là không tránh khỏi trong cuộc sống, nhưng cha mẹ và thầy cô sẽ luôn hướng dẫn trẻ một cách chi tiết nhất để đối phó với các tình huống tiêu cực không mong muốn.
Sử dụng Cây lo lắng
Cây lo lắng là một hoạt động bạn có thể làm tại nhà cùng trẻ. Bắt đầu với việc in hình một cái cây lên giấy khổ lớn như A3 và đặt lên tường trong phòng ngủ của trẻ, sau đó với mỗi chiếc lá, hãy để trẻ viết ra những điều trẻ bận tâm, trăn trở và dán lên cây. Từ đó, bạn có thể cùng trẻ xem lại và giải quyết các lo lắng từng bước một. Hoạt động này vừa giúp trẻ tự suy xét về cảm nhận của bản thân vừa giúp cha mẹ hiểu trẻ hơn.
Kết hợp cùng giáo viên
Giáo viên với vai trò là người hướng dẫn sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc nắm bắt tâm lý của trẻ. Có những tình huống mà trẻ đối mặt tại lớp học có thể là nguyên nhân dẫn đến hội chứng lo lắng. Hãy cập nhật tình trạng của trẻ với giáo viên mỗi tuần, bạn cũng có thể thảo luận với giáo viên về các biện pháp phù hợp nếu phát hiện những điểm bất thường của trẻ tại nhà. Ngoài ra, bạn nên đưa ra các ý tưởng để giáo viên đề cập đến những bài học về cảm xúc và sức khỏe tinh thần trên lớp, từ đó hỗ trợ bạn đồng hành cùng trẻ vượt qua các nỗi lo.