Bé quấy khóc, khó ngủ vào ban đêm là nỗi lo lắng của rất nhiều bố mẹ có con nhỏ. Tình trạng này kéo dài có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của bé. Bài viết này sẽ giúp bố mẹ tìm hiểu nguyên nhân khiến bé quấy khóc về đêm và những giải pháp hữu ích giúp bé ngủ ngon giấc.
1. Bé bị đói do thói quen bú khuya
Các bé có dạ dày nhỏ cần được cho ăn, bú sữa nhiều lần và đều đặn trong ngày, cứ khoảng 2 – 3 giờ một lần. Về đêm, hầu hết trẻ sơ sinh cho đến 2 tháng tuổi cần được cho bú sữa ít nhất một đến hai lần. Trẻ trong giai đoạn từ 2 – 4 tháng tuổi sẽ cần bú ít nhất một cữ vào giữa đêm. Do đó, nếu bé quấy khóc vào ban đêm có thể là dấu hiệu bé đang bị đói.
Khi theo dõi và nhận biết bé có thói quen bú khuya, mẹ hãy chủ động căn chỉnh thời gian để cho bé bú, đảm bảo con được no bụng. Nếu cần thiết, mẹ có thể trao đổi và nhờ sự tư vấn của bác sĩ nhi khoa về tần suất cho bé ăn, bú sữa về đêm. Mẹ có thể cắt giảm cữ sữa qua đêm cho bé bằng cách đảm bảo cho bé bú đủ lượng sữa trong ngày. Đồng thời tập kéo dài thời gian giữa các cữ bú cho bé vào ban đêm.
2. Bé không phân biệt được ngày và đêm
Sau khi chào đời, trẻ sơ sinh không có nhận thức hay sự phân biệt ngày và đêm. Chính vì thế nhiều bé sẽ thường có thói quen ngủ cả ngày, thức suốt đêm. Thói quen này không được điều chỉnh sớm sẽ khiến bé thích nghi với việc dễ ngủ ngày và khó ngủ, quấy khóc về đêm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé lẫn nhịp sống của gia đình.
Trong trường hợp này, bên cạnh việc giới hạn giấc ngủ ban ngày của bé, bố mẹ cần tạo không gian, giúp bé phân biệt rõ sự khác biệt giữa ngày và đêm. Chẳng hạn như cho bé tham gia các hoạt động vui chơi trong không gian nhiều ánh sáng, giúp bé tiếp xúc và làm quen dần với các âm thanh tự nhiên, âm thanh sinh hoạt vào ban ngày. Vào ban đêm, bé cần được ngủ trong không gian yên tĩnh, giữ phòng tối hoặc có ánh sáng dịu nhẹ. Khi cho bé bú khuya cần tránh bật TV hay để đèn quá sáng.
3. Bé có vấn đề về sức khỏe
Bé hay quấy khóc, khó ngủ vào ban đêm có thể chính là lời cảnh báo con đang gặp các vấn đề nào đó về sức khỏe. Một số trường hợp như bé bị rôm sảy, cảm cúm, mọc răng hoặc bị rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, co thắt vùng bụng… sẽ khiến bé khó chịu và mệt mỏi. Hơn hết, do bé chưa có nhận thức, không thể nói nên khi gặp các vấn đề này chỉ biết quấy khóc và ngủ không yên giấc vào ban đêm.
Khi nhận thấy bé quấy khóc, khó ngủ, mẹ nên chú ý đến việc kiểm tra sức khỏe cho bé. Hãy kiểm tra xem thân nhiệt, nước tiểu và tình trạng phân của bé xem có ổn định không. Nếu không thể xác định được lý do khiến bé quấy khóc dai dẳng, hãy nhanh chóng đưa bé đến gặp chuyên gia khoa nhi để được thăm khám kịp thời.
4. Bé khó chịu vì tã đầy
Trường hợp tã ướt sũng hoặc tã đầy, bị bẩn sẽ khiến bé cảm thấy bí bách và phản ứng dữ dội vì khó chịu. Nếu nhận thấy bé quấy khóc và khó ngủ vì nguyên nhân này, hãy chủ động kiểm tra và thay tã mới cho con, giúp con nhanh chóng trở lại giấc ngủ ngon. Mẹ lưu ý khi thay bỉm cho bé cần vệ sinh kỹ vùng da ở hạ bộ cho trẻ, tránh tình trạng bé đóng bỉm bị nổi mụn.
Bên cạnh đó, mẹ cần lưu ý không nên cho bé uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ 30 phút, hạn chế việc bé tè nhiều lần về đêm làm gián đoạn giấc ngủ.
5. Bé bị hăm tã
Hăm tã là tình trạng thường gặp phổ biến ở trẻ nhỏ. Dấu hiệu nhận biết bé bị hăm tã đó là xung quanh bộ phận sinh dục bị nổi mẩn đỏ kèm theo mùi khai. Thông thường, các dấu đỏ sẽ xuất hiện quanh hậu môn, theo thời gian sẽ lan dần ra xung quanh, lan xuống vùng mông và đùi. Tình trạng hăm tã sẽ khiến bé bị ngứa ngáy, khó chịu. Đó là một trong những nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc, thậm chí là kén ăn, ít ngủ.
Khi nhận thấy con mình có dấu hiệu bị hăm tã, mẹ cần vệ sinh sạch sẽ cho bé, giữ cho cơ thể bé luôn khô ráo. Trong thời gian bé bị hăm tã và điều trị, mẹ nên hạn chế việc mang tã, để vùng kín của con được khô thoáng. Bên cạnh đó cần tìm hiểu kỹ việc sử dụng các loại kem trị hăm tã, kem dưỡng ẩm, giúp làn da của bé dịu mát và dễ chịu hơn.
Khi bé bị hăm tã, mẹ cần phải đặc biệt lưu ý cách đóng bỉm nhằm bảo vệ làn da nhạy cảm của bé. Mẹ có thể tham khảo thêm về cách đóng bỉm không bị hăm cho trẻ sơ sinh để biết thêm chi tiết.
Nếu gặp tình trọng bé quấy khóc, khó ngủ vào ban đêm, bố mẹ cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân để can thiệp và xử lý kịp thời. Hy vọng những thông tin trong bài viết này sẽ giúp bậc phụ huynh hiểu rõ những lý do khiến trẻ khó ngủ, thường xuyên quấy khóc cũng như cách khắc phục hiệu quả, bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho con.