Bé bước vào giai đoạn ăn dặm cũng là lúc mẹ loay hoay với rất nhiều câu hỏi: nên bắt đầu cho bé ăn dặm từ đâu, quy trình cho bé bắt đầu ăn dặm thế nào, cho bé ăn những gì,… Mẹ đừng lo! Tất tần tật những băn khoăn ấy sẽ được chuyên gia giải đáp cặn kẽ trong bài viết dưới đây!
Mách mẹ quy trình cho bé ăn dặm chuẩn khoa học
Bước 1: Hiểu rõ quy tắc ăn dặm của bé
Đầu tiên, mẹ cần trả lời được các câu hỏi như:
Thời điểm tốt nhất cho bé ăn dặm là khi nào? Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mẹ nên cho bé ăn dặm khi bé được 6 tháng tuổi. Lúc này, hệ tiêu hoá của bé đã phát triển khá hoàn chỉnh, có thể ăn thức ăn đặc và phức tạp hơn. Ngoài ra, giai đoạn này bé cũng vận động nhiều hơn, đòi hỏi nhiều năng lượng hơn để hoạt động – điều mà chỉ bú sữa mẹ sẽ không đáp ứng được.
Nên cho bé ăn bao nhiêu là đủ? Tùy theo sự phát triển của bé, chuyên gia khuyên mẹ nên cho bé ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc. Khoảng 1 – 2 tuần đầu mới ăn dặm, mẹ chỉ nên cho bé ăn 1 bữa/ngày, mỗi bữa khoảng 10 – 20ml bột, sau đó tăng dần lên khi bé đã quen với việc ăn dặm.
Cần lưu ý gì khi cho bé tập ăn dặm? Đầu tiên, mẹ cần hạn chế gia vị trong thực đơn của bé, đặc biệt là bé dưới 8 tháng tuổi vì thận bé lúc này chưa hoàn thiện, nếu ăn gia vị có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng thận. Ngoài ra, mẹ không ép bé ăn vì sẽ gây cảm giác sợ sệt, tạo áp lực ăn uống cho bé.
Hạn chế thêm gia vị vào đồ ăn dặm của bé yêu
Bước 2: Chọn phương pháp ăn dặm phù hợp cho bé yêu
Sau khi hiểu về các nguyên tắc cho bé ăn dặm, mẹ cần tìm hiểu về các phương pháp ăn dặm và chọn ra cách phù hợp với bé yêu. Hiện nay, có 4 phương pháp phổ biến là: Ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm chỉ huy, ăn dặm 3 trong 1, ăn dặm truyền thống. Mỗi phương pháp có ưu, nhược điểm riêng. Theo kinh nghiệm của các mẹ bỉm sữa thông thái, mẹ nên:
Chọn phương pháp ăn dặm kiểu Nhật nếu có nhiều thời gian chuẩn bị món ăn và chăm sóc bé. Ngoài ra, mẹ đảm bảo gia đình mình có 1 chiếc tủ lạnh đủ tốt hoặc có ngăn tủ bảo quản thực phẩm riêng cho bé để tránh ám mùi nhé!
Ăn dặm truyền thống phù hợp cho bé từ 5 – 6 tháng và mẹ bỉm bận rộn mà vẫn muốn chuẩn bị bữa ăn dặm ngon cho bé.
Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy BLW sẽ phù hợp nếu bé trên 6 tháng tuổi, mẹ có nhiều thời gian ở nhà chăm con thì chắc chắn không nên bỏ qua.
Phương pháp 3in1 phù hợp với tất cả bé, ngay cả mẹ bận rộn vẫn có thể chăm lo tốt từng bữa ăn cho bé. Đây cũng là lựa chọn tuyệt vời giúp bé 6 tháng tuổi được trải nghiệm nhiều phương pháp cùng lúc.
Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy sẽ hơi vất vả cho mẹ trong việc dọn dẹp cho bé
Bước 3: Lên thực đơn ăn dặm phù hợp
Tiếp theo, mẹ cần lên một thực đơn ăn dặm phù hợp với tháng tuổi của bé. 3 điều mẹ cần chú ý nhất khi lên thực đơn ăn dặm cho con là:
Hiểu rõ về thời gian ăn – ngủ – chơi của con: Mẹ quan sát xem bé thường thức dậy lúc mấy giờ, mỗi lần ngủ khoảng bao lâu,… từ đó lên 1 thời gian biểu phù hợp nhất với con. Mẹ lưu ý không quá cứng nhắc trong thời gian ăn uống của con, đừng vì quá sốt ruột mà đánh thức con dậy để ăn vì sẽ khiến bé gắt ngủ, quấy khóc, việc cho bé ăn lúc này cũng khó khăn hơn vì bé không hợp tác đó ạ!
Chọn món ăn phù hợp với tháng tuổi của bé: Không phải món ăn nào cũng phù hợp để cho bé nhà mình ăn dặm đâu ạ. Ví dụ như, nếu mẹ muốn nấu cháo trứng gà cho bé ăn dặm thì món này chỉ phù hợp với bé từ 6 tháng, khi cho ăn mẹ cần quan sát kỹ biểu hiện của con vì trứng gà có protein cao, dễ gây dị ứng cho bé. Hay những món ăn hải sản giàu dinh dưỡng như cháo hàu, cháo cua biển,… chỉ phù hợp với bé trên 8 tháng tuổi thôi.
Phù hợp với điều kiện của mẹ: Nếu mẹ quá bận rộn, mẹ cân nhắc chọn những món đơn giản hơn hoặc cân nhắc đến việc nấu 1 lần cho nhiều bữa, bảo quản đồ ăn cho bé trong tủ lạnh mẹ nhé!
Mẹ chọn món ăn dặm phù hợp với tháng tuổi của bé
Bước 4: Quan sát biểu hiện của bé để điều chỉnh
Sau khi lên được lịch trình ăn dặm phù hợp cho bé nhà mình, mẹ bắt đầu áp dụng phương pháp đó cho bé yêu. Trong quá trình áp dụng, mẹ cần chú ý thái độ của bé, xem bé có phù hợp với phương pháp ăn dặm đó không, thời gian ăn dặm hay món ăn mà mẹ nấu cho bé không, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp cho bé yêu.
Bước 5: Thay đổi thực đơn phù hợp với nhu cầu ăn dặm/tháng tuổi của bé
Cứ khoảng 2 – 4 tuần, mẹ cần điều chỉnh lại thực đơn ăn dặm cho bé vì chỉ sau 1 tháng, nhu cầu dinh dưỡng và thói quen ăn dặm của bé sẽ khác đi. Tìm hiểu kỹ nhu cầu dinh dưỡng của con theo từng tháng tuổi là giải pháp tốt nhất giúp bé lớn nhanh, phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn trí não đó ạ!
Đọc đến đây, chắc hẳn mẹ đã biết quy trình cho bé bắt đầu ăn dặm như thế nào, cách làm ra sao rồi đúng không ạ! Giai đoạn này sẽ khó khăn với mẹ 1 chút, nhưng mẹ yên tâm thực hiện đúng theo hướng dẫn trên, bé sẽ ăn ngoan, mẹ cũng nhàn hơn rất nhiều đó. Nếu còn băn khoăn, mẹ để lại bình luận ở dưới để được hỗ trợ nhé!